CHƯƠNG 6:

MỨC CHẾT

 

Mức chết là thông tin quan trọng trong nghiên cứu nhân khẩu học và nhiều ngành khoa học khác có liên quan như dịch tễ học, y tế công cộng, thống kê,… Mức chết được sử dụng như là thông tin đầu vào để ước tính “Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh” (hay tuổi thọ trung bình, kỳ vọng sống khi sinh hoặc tuổi thọ bình quân khi sinh) của một người; là một trong những thành tố để tính chỉ số phát triển con người (HDI) do Liên hợp quốc hướng dẫn thực hiện. Trong nghiên cứu nhân khẩu học, mức chết đóng vai trò quan trọng cùng với mức sinh để xác định tỷ lệ tăng dân số.

TĐT cung cấp thông tin để đánh giá toàn diện nhất về mức chết. Trong đó, ước lượng các chỉ tiêu về: Tỷ suất chết thô, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ số tử vong mẹ trên một trăm nghìn trẻ sinh sống theo phương pháp ước lượng gián tiếp để phân tích về mức chết đang diễn ra hiện nay.

6.1. Tỷ suất chết thô

Tỷ suất chết thô của Vĩnh Phúc năm 2019 thấp hơn so với năm 2009, đồng thời thấp hơn so với toàn quốc và vùng ĐBSH.

Tỷ suất chết thô (CDR) là một trong những chỉ tiêu được sử dụng rộng rãi nhất để phản ánh mức độ tử vong của dân số. Chỉ tiêu này cho biết trung bình cứ mỗi 1000 dân thì có bao nhiêu người chết trong một thời gian nhất định, thường là 12 tháng trước thời điểm điều tra. CDR bị ảnh hưởng bởi cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính của dân số theo vùng lãnh thổ hay một tập hợp dân số.

 

 

Theo kết quả TĐT, Vĩnh Phúc có CDR là 5,9 người chết/1000 dân, thấp hơn 0,4 điểm phần nghìn so với toàn quốc và 0,5 điểm phần nghìn so với vùng ĐBSH. CDR của tỉnh năm 2019 đã giảm 1,4 điểm phần nghìn so với năm 2009. Điều này cho thấy, khi điều kiện sống của người dân được cải thiện, công tác chăm sóc sức khỏe sẽ được chú trọng hơn giai đoạn trước…, đó là những yếu tố quan trọng tác động làm CDR của tỉnh có xu hướng giảm so với thời kỳ trước.

Xét theo giới tính, nam giới hiện có CDR là 7,1‰, tương đương mức chung toàn của và vùng ĐBSH, cao hơn mức 4,8‰ của giới nữ.

 

 

6.2. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi của tỉnh thấp hơn so với cả nước nhưng vẫn còn cao hơn vùng ĐBSH.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là số đo mức độ chết của trẻ em trong năm đầu tiên của cuộc sống, phản ánh tình hình cung cấp chất lượng các dịch vụ và phương tiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đánh giá mức độ tử vong của nhóm dân số có mức độ chết cao và tác động mạnh đến tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của dân số.

Mọi biểu hiện của sự giảm mức chết đều ảnh hưởng trực tiếp đến IMR và thông qua đó tác động đến phân bố dân số theo độ tuổi. IMR luôn có mối liên hệ thống kê chặt chẽ với mức độ sinh nên việc tăng hay giảm chỉ tiêu này có tác động đến sự tăng/giảm của mức độ sinh trên địa bàn.

 

 

Kết quả TĐT cho thấy, Vĩnh Phúc đạt hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em góp phần vào giảm mức chết trẻ em dưới 1 tuổi từ 12,9‰ năm 2009 xuống còn 12,2‰ năm 2019. Tỷ suất này hiện thấp hơn mức chung của cả nước nhưng cao hơn vùng ĐBSH; đồng thời, mức giảm IMR của tỉnh sau 10 năm không nhanh bằng mức giảm của cả nước và Vùng. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cần được tiếp tục quan tâm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thai sản, chăm sóc sức khoẻ sau sinh, chương trình tiêm chủng mở rộng… góp phần giảm trường hợp tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi.

Trong khi IMR liên quan nhiều đến điều kiện thai sản, chất lượng chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ thì tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) chủ yếu phản ánh về tình trạng dinh dưỡng và chất lượng công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em trong những năm tháng đầu đời.

Quan sát hình 6.1 dưới đây ta thấy, việc phòng chống bệnh tật, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận. U5MR của tỉnh là 18,3 trẻ tử vong/1000 trẻ sinh sống, thấp hơn so với toàn quốc 2,7 điểm phần nghìn. Tỷ suất này đang có sự chênh lệch khá lớn giữa hai giới và kết quả TĐT cho biết rằng, đây cũng là tình trạng chung của các địa phương khác trong cả nước. Tại tỉnh, tỷ suất chết của trẻ em nam dưới 5 tuổi cao hơn trẻ em nữ 11,8 điểm phần nghìn. Như vậy, ở độ tuổi dưới 5 tuổi, trẻ em nam có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em nữ.

 

 

6.3. Nguyên nhân chết

Ngoài yếu tố bệnh tật, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng tử vong vì tai nạn giao thông ở KVTT cao hơn nhiều so với KVNT.

Theo kết quả TĐT, đa số các trường hợp chết xảy ra trong 12 tháng trước thời điểm điều tra là do bệnh tật, chiếm 92,9%. Tuy nhiên, tử vong do tai nạn giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguyên nhân gây ra tử vong còn lại với 3,2% trường hợp tử vong. Đáng lưu ý là, tử vong do tại nạn giao thông ở KVTT hiện ở mức rất cao, chiếm tới 8,1% các trường hợp chết của dân số thành thị, trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 2%.

 

 

6.4. Tuổi thọ trung bình

Tuổi thọ trung bình của dân số Vĩnh Phúc đạt 74,3 tuổi, tăng 0,3 tuổi so với năm 2009, cao hơn 0,7 tuổi so với cả nước; tuổi thọ trung bình của nam thấp hơn nữ với mức chênh lệch là khoảng 5 tuổi.

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (còn gọi là triển vọng sống trung bình khi sinh hay tuổi thọ trung bình) phản ánh mức độ chết của dân số, chỉ tiêu này chịu ảnh hưởng bởi mức độ chết ở tất cả các độ tuổi của dân số, đặc biệt là độ tuổi sơ sinh và trẻ em. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh được sử dụng để so sánh mức độ chết giữa các thời kỳ, các vùng, các tỉnh trong cả nước và dùng để phân tích, dự báo dân số dài hạn. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, một vùng hay một địa phương; là một thành tố để tính chỉ số phát triển con người (HDI).

Kết quả TĐT cho biết, dân số của tỉnh có tuổi thọ trung bình là 74,3 tuổi (toàn quốc là 73,6 tuổi), đối với nam giới là 71,8 tuổi và nữ là 77,0 tuổi. Khoảng chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc TĐT năm 2009 và 2019 không thay đổi, đều là 5,2 tuổi, ngang bằng mức chênh lệch tuổi thọ giữa hai giới trên phạm vi toàn quốc.